Bụi Gai Bốc Lửa Thương Xót: 1- Cha đợi chờ con...

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa, 

"Thầy đã đến để tung tỏa lửa xuống trên trái đất này, và Thầy ước mong cho lửa ấy được bừng cháy lên! 

Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!"  (Luca 12:49-50).

Trong lời tuyên bố này của mình với thành phần môn đệ đang được Người giáo huấn bấy giờ, Chúa Giêsu đã ám chỉ gì khi nói về "lửa"?

Người "tung tỏa lửa xuống trên trái đất này" như thế nào? Và "lửa ấy được bừng cháy lên" chưa?? - Ở chỗ nào???

Nếu "lửa" ám chỉ tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, cũng chính là lòng thương xót vô cùng bất tận của Thiên Chúa,

thì "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), hiện thân của tình yêu vô cùng nhân hậu này của Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16),

"đã đến để tung tỏa lửa xuống trên trái đất này", bằng cách làm cho dân Chúa nói riêng và nhân loại nói chung nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nhất là khi Người bị treo trên thập tự giá, nhờ đó "quí vị sẽ nhận biết là Tôi" (Gioan 8:28), Đấng "kéo mọi người lên cùng Tôi khi Tôi bị treo lên" (Gioan 12:32),

nghĩa là Người đã làm cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa bừng cháy lên trên thập tự giá, biến cây thập tự giá thành Ngọn Đuốc Bốc Lửa Thương Xót.

"Bụi gai" đây ám chỉ cuộc khổ nạn và tử giá của Người, hay ám chỉ chính thập tự giá của Người cũng vậy, chẳng khác gì như "Bụi Gai Bốc Lửa Thương Xót".

Bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2), một hiện tượng thần hiển của Vị Thiên Chúa tỏ mình "Ta là Đấng hiện hữu" (Xuất Hành 3:14),

tức là tình yêu thủy chung bất biến với thành phần Dân được Ngài tuyển chọn, bất chấp họ có liên lỉ thất trung bội tín với Ngài trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ.

Mầu nhiệm Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của Dân Do Thái được tỏ ra là 3 Ngôi Vị Thần Linh nơi hiện tượng thần hiển bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi:

"bụi gai" là Ngôi Lời khổ giá, "bốc lửa" ám chỉ Thánh Linh là tình yêu hiệp thông Ba Ngôi thôi thúc Chúa Kitô tự hiến cứu độ, và "tiếng phán" là Thiên Chúa Ngôi Cha.

Đúng thế, "lửa" được Ngôi Lời nhập thể đã "tung tỏa xuống trên trái đất này" cũng chính là Thánh Linh, Đấng được Chúa Kitô thăng thiên từ Cha sai đến với Giáo Hội,

Đấng ban sự sống qua Giáo Hội là chứng nhân thừa tác của Chúa Kitô, vì Giáo Hội được "lãnh nhận Quyền lực từ trên cao khi Thánh Thần hiện xuống" (Tông vụ 1:8)

trên từng vị tông đồ "với hình lưỡi lửa" (Tông Vụ 2:3), để nhờ đó các vị mới xứng đáng và có thể châm lửa thương xót từ Ngọn Đuốc Thánh Giá Thương Xót của Chúa Kitô,

cũng như bằng chính Ngọn Đuốc Khổ Nạn Thương Xót của chính bản thân của các vị như Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành và với Chúa Kitô Vượt Qua (xem Gioan 21:18-19).

Buị Gai Bốc Lửa Thương Xót đây còn ám chỉ Bụi Gai tội nhân khốn nạn được Thiên Chúa Bốc Lửa Thương Xót cứu độ họ nơi Người Con Thiên Sai Cứu Thế của Ngài,

nhờ đó, tâm hồn tội nhân khốn nạn đã được Thiên Chúa thương xót thứ tha cứu độ ấy cũng Bốc Lửa Thương Xót các tội nhân khác như chính bản thân tội lỗi của họ.

Bụi Gai Bốc Lửa Thương Xót đây còn ám chỉ Bụi Gai đau khổ nơi các tâm hồn được Thiên Chúa tuyển chọn như "cành nho sai trái càng được cắt tỉa đi" (Gioan 15:2),

để đau khổ họ phải chịu chẳng những không thiêu rụi họ đi, chúng còn trở thành Ngọn Đuốc Bốc Lửa Thương Xót cứu độ những linh hồn cần đến LTXC hơn nữa.

Trong Tuần Cửu Nhật dọn mừng Lễ LTXC này, từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến hết Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, áp lễ LTXC, chúng ta cùng nhau cử hành LTXC,

chẳng những bằng chính những lời kêu gọi và kinh nguyện Chúa dạy Chị Thánh Faustina, mà còn bằng những câu nói vô cùng nhân hậu xót thương của Người,

kèm theo những câu truyện thực tế thích hợp với từng ngày trong Tuần Cửu Nhật, chứng thực LTXC của Người quả đã hiển linh nơi từng truyện Một Tâm Hồn

Xin Năm Dấu Thánh trên thân xác phục sinh của Chúa Kitô Vượt Qua là tất cả lòng tin tưởng của chúng ta ở mọi nơi, trong mọi lúc và là niềm vui thương xót của chúng ta!

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh.

Bụi Gai Bốc Lửa Thương Xót: 1- Cha đợi chờ con...
https://youtube.com/live/kwctctiHO2A

 

 

Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình

Có nhiều người nhận xét rằng, tại sao trong lịch Kitô giáo, ngày thứ Sáu của Tuần Thánh lại được gọi là “thứ sáu thánh”. Tại sao một ngày diễn ra một cái chết oan uổng, bất công của người công chính lại được gọi là thánh. Nhưng những ai có đức tin Kitô sẽ hiểu giá trị của ngày này. Và Conor McBride người đã được cha mẹ của nạn nhân tha thứ cho hành động giết người con của mình là một minh chứng.

Ngọc Yến - Vatican News

Cái chết của Ann Grosmaire, 19 tuổi vào thứ Sáu Tuần Thánh năm 2010 đã làm cho những người yêu mến cô, trong đó có cả Conor McBride đi xuống tận vực sâu của cuộc khổ nạn, đau đớn trong vườn dầu của Chúa Giêsu khi Người kêu lên “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Nhưng Chúa Giêsu trên Thánh giá cũng đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Khi bà Kate Grosmaire, mẹ của Ann gặp Conor trong tù vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh và nói với anh rằng bà và chồng bà “yêu thương và tha thứ cho bạn”, tù nhân 19 tuổi cảm thấy như có một tia chớt chụp xuống trên mình, tia sáng như đã xảy ra vào thứ Sáu cách đây hơn ngàn năm trên đồi Canvê. Chính vào giờ phút đó Conor bắt đầu cảm nhận được sống lại từ vực sâu của cái chết.

Conor đã gặp Ann ba năm trước đó trong một khoá học tại trường trung học ở Florida. Sau đó cả hai quyết định kết hôn. Nhưng theo cha mẹ của Conor, Conor vẫn còn tính cách bốc đồng của của tuổi trẻ, vì thế hai người trẻ này thường xuyên có những trận cải vã, và đỉnh điểm là những ngày Tuần Thánh năm 2010.

Một ngày, giữa cuộc tranh cãi, Ann nói với chồng sắp cưới rằng cô chỉ muốn Conor chết. Cảm thấy bất lực, chán nản và giận dữ, anh đi lấy khẩu súng của người cha, dường như để thực hiện mong muốn của cô. Nhưng rồi cả hai tiếp tục lớn tiếng. Conor cảm thấy không thể giải quyết mối bất hoà, và anh đã chĩa súng vào vị hôn thê. Cô sợ hãi quỳ xuống xin anh đừng bắn. Nhưng anh đã bắn cô.

Conor đến cảnh sát đầu thú. Ann được đưa đến bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch. Cha của Conor, ông Michael đến bệnh viện trước khi đến tìm Conor. Khi ông Michael gặp ông Grosmaire Andy cha của Ann, theo bản năng cả hai đã ôm lấy nhau.

Sau đó bà Kate nói trong một cuộc phỏng vấn: “Khi tôi cầu nguyện, tôi hỏi con gái Ann của tôi muốn điều gì, và tôi nhận được câu trả lời muốn tha thứ”. Khi nhìn lại án mạng xảy ra vào Tuần Thánh cách đây 12 năm, bà Kate chia sẻ: “Tôi tạ ơn Chúa mỗi ngày vì tôi biết tha thứ đem lại bình an. Vì vậy tôi biết tôi phải làm gì với Conor”.

Đối với cha mẹ của Ann, cái chết chỉ là khởi đầu của một Mùa Chay, một Tuần Thánh kéo dài, tái hiện bạo lực qua một cuộc truy tố kéo dài. Đây là một điều khó cho cả hai bên gia đình. Nhưng cha mẹ của Ann muốn có được một công lý phục hồi, mà họ đã nghe linh mục tuyên uý nhà tù ở Florida mô tả. Cách tiếp cận này nhấn mạnh nhiều hơn vào cách một người phạm tội có thể sửa đổi những sai lầm mà họ đã gây ra.

Với cách tiếp cận này, hình phạt thường không đem lại hiệu quả, công lý phục hồi nhằm giúp phạm nhân nhận ra tác hại mà họ đã gây ra và khuyến khích họ sửa chữa tác hại này, trong khả năng có thể. Thay vì nghĩ đến việc đưa ra hình phạt xứng đáng cho người phạm tội, công lý phục hồi tập trung vào sửa chữa những thiệt hại do phạm nhân gây ra và mời gọi mọi người tham gia vào quá trình này.

Nghĩ là làm, cha mẹ của Ann đã liên hệ với những người đang làm việc trong hệ thống phục hồi của pháp luật để giúp Conor phục hồi. Công lý phục hồi thường chỉ áp dụng cho những tội phạm nhẹ, không áp dụng cho tội giết người, nhưng cha mẹ của Ann đã thuyết phục những người đang làm việc trong hệ thống này, và họ đã đồng ý.

Từ đó, những buổi gặp gỡ thường xuyên giữa cha mẹ Ann, cha mẹ kẻ giết người, luật sự, công tố viên đã đã diễn ra. Qua những buổi nói chuyện này Conor nhận ra tội của mình, hiểu những tác hại do hành động sai trái của mình nhưng cũng là ước muốn phục hồi, tiến về phía trước. Một ngày kia, mẹ của Ann nói Conor rằng vì Ann không còn nữa nên giờ đây anh phải làm việc tốt cho cả hai. Từ lời động viên này, với bản án 20 năm tù, anh đã làm được nhiều việc tốt trong tù, đã hoàn tất chương trình cao đẳng và đang theo một khoá học liên thông đại học Ohio để lấy bằng cử nhân.

Mẹ của Conor nói: “Điều Conor đặc biệt thích làm là chia sẻ với khác những gì mình đã biết. Ví dụ Conor đã dạy cho các tù nhân khác một khoá về phục hồi chấn thương trong tù và nhận thức của nạn nhân”.

Conor, một người từng là Kitô hữu nhưng không thực hành, đã thú nhận: “Cha mẹ của Ann đã tha thứ cho tôi. Ai đã làm điều đó? Những người bình thường không bao giờ tha thứ cho kẻ đã giết con họ. Nhưng cha mẹ của Ann đã chọn tha thứ. Tôi thực sự tin rằng tình yêu Chúa đã chiếu sáng trên họ. Tôi nhận ra rằng họ biết điều gì đó, có điều gì đó và đó là một thực tế. Tôi bắt đầu tìm hiểu hướng về Công giáo. Trong những năm qua, hành trình đức tin của tôi đã có những thăng trầm. Tuy nhiên với sự tha thứ của họ là chứng tá mà tôi cần. Nghe nói về Chúa tha thứ là một chuyện nhưng trải nghiệm được tha thứ lại là một chuyện khác”.